Ca sĩ Long Nhật cãi lời gia đình, trốn theo Đoàn ca múa nhạc để theo đuổi đam mê
Với chủ đề “Sự chông gai khi một nghệ sĩ khởi nghiệp” trong chương trình Kính Đa Chiều, ca sĩ Long Nhật vừa có những trải lòng về hành trình bén duyên với nghệ thuật. Đằng sau những hào quang trên sân khấu, ít ai biết rằng đã từng có một Long Nhật đầy đam mê khi cãi lời gia đình để theo đuổi âm nhạc.
Cụm từ “khởi nghiệp” thường được dùng trong lĩnh vực kinh doanh nhưng trong thực tế con đường sự nghiệp của bất kỳ ai cũng trải qua giai đoạn này. Với nghệ sĩ cũng không ngoại lệ, trong tập 37, 38 của Kính đa chiều được phát sóng vào 20h ngày 7-8/3/2024, ca sĩ Long Nhật thổ lộ về chặng đường “khởi nghiệp” đầy thú vị của mình cách đây 35 năm.
Long Nhật chia sẻ, để trở thành một ca sĩ như bây giờ, nam ca sĩ trải qua hai cột mốc quan trọng. Lần đầu là khi Long Nhật học lớp 1, khi cô giáo đặt câu hỏi cho cả lớp về công việc mơ ước khi trưởng thành. Trong khi các bạn bè đều viết ước mơ là giáo viên, bộ đội, bác sĩ, kỹ sư thì Long Nhật viết nắn nót hai từ “ca sĩ”. Sau khi nộp cho cô giáo, cậu bé Long Nhật ngày ấy xin lại mảnh giấy và sửa lại từ “ca sĩ” thành “nghệ sĩ nổi tiếng”.
Giọng hát Tình ca mùa xuân bộc bạch, ba mẹ nam ca sĩ kể lại lúc anh còn bé khi vừa biết nói thì cũng vừa biết hát. Đồng thời, Long Nhật cũng xác định bản thân sẽ làm nghệ thuật từ bé và được tham gia văn nghệ từ rất sớm. Ngày đó, Long Nhật và Quang Linh đều hoạt động tại Nhà thiếu nhi của Huế.
Cột mốc đáng nhớ thứ hai của Long Nhật là khi đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng Khánh Hoà vào năm 1989. Sau đó, nam ca sĩ cùng Đoàn lưu diễn khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc, đến Tết mới quay về Nha Trang. Bên cạnh những chuyến lưu diễn, Long Nhật cũng sôi nổi tham gia hội thi ca múa nhạc toàn quốc. Đáng chú ý, trong các cuộc thi mà nam ca sĩ tham gia, anh luôn luôn đạt huy chương vàng. Nói về thành tích của mình, Long Nhật cho biết anh không phải là người hát hay nhất nhưng có thể do thầy cô thương, cộng một chút may mắn. Long Nhật cho biết anh chỉ thích hát trong các đoàn hát có tiếng vì có dàn dựng ca múa nhạc, có mở màn, kết thúc, có nội dung.
Nghe qua tưởng chừng hành trình làm nghề của Long Nhật đầy bằng phẳng nhưng thực tế nam ca sĩ cũng trải qua nhiều chông gai, gập ghềnh. Rào cản đầu tiên mà Long Nhật vấp phải chính là sự cấm cản của ba. Tuy cho Long Nhật học đàn học múa từ nhỏ, nhưng phụ huynh không đồng ý cho anh theo đuổi nghệ thuật. Vì ba của Long Nhật trước kia là một nhà giáo, chuyên tổ chức các chương trình âm nhạc cho trường và mời nhiều nghệ sĩ. Khi nhìn thấy cuộc sống đằng sau hậu trường của các nghệ sĩ vô cùng vất vả, ba Long Nhật nhất định cấm con trai đi hát vì cho rằng đây là công việc không an toàn. Tuy nhiên, nam ca sĩ đã không nghe lời ba mình và quyết định trốn đi để theo Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng.
Long Nhật vào Đoàn chưa được bao lâu thì đã rủ đồng nghiệp đình công vì biết mức lương của mình thấp hơn ca sĩ chính. Sau khi đình công, Long Nhật nghe loáng thoáng thông tin Đoàn sẽ cho một trong hai người nghỉ việc nên nam ca sĩ quyết định rời đi trước. Nam ca sĩ nói với đồng nghiệp: “Long Nhật nói với Hải Dương rằng tôi vào đoàn sau anh, gia đình của tôi ở Huế khá giả hơn gia đình anh mà tôi cũng có một đoàn Hải Đăng 2 đang cần tôi, để tôi nghỉ trước cho”.
Chủ nhân bài hát Tình ca mùa xuân thừa nhận: “Trước khi bị đuổi, mình là một ca sĩ được học hành đàng hoàng, mình không thể để cho người ta đuổi, mình rời đi nhưng với tư cách là bỏ đoàn chứ không phải bị đuổi. Lúc đó con nít suy nghĩ vậy. Sau này mình suy nghĩ lại câu chuyện đình công là sai vì người ta là ngôi sao còn mình là ca sĩ mới về”.
Thời điểm rời Đoàn, Long Nhật cảm thấy buồn tủi vì từ một Đoàn ca múa nhạc lớn chuyển sang Đoàn nhỏ. Trong khi nam ca sĩ đang biểu diễn tại một sân khấu lớn, đẹp, hoành tráng, được đứng cùng một loạt nghệ sĩ tên tuổi bấy giờ, đi hát được ở khách sạn thay vì hoạt động trong Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng 2 thì phải ở trong rạp. Thấy khổ quá, Long Nhật bèn về Huế với gia đình.
Trùng hợp khi Long Nhật về Huế cũng là lúc Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng về đây lưu diễn. Nam ca sĩ kể lại hàng đêm anh đều ngồi bên kia quán nước để nhìn đồng nghiệp biểu diễn. Khi thấy băng rôn còn in tên mình vì chưa kịp thay mới, Long Nhật không khỏi xót xa. Nam ca sĩ thổ lộ: “Ngày hôm qua mình đang là ca sĩ của đoàn này, mình đang được sống trong mơ ước này nhưng bây giờ hạnh phúc này đã tuột khỏi tầm tay. Tối nào Long Nhật cũng ngồi ngoài bên kia quán nước, các anh chị soát vé phát hiện và họ kể lại trong đoàn”.
Khi Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng bắt đầu di chuyển đến Quảng Trị thì các nghệ sĩ cùng trưởng đoàn, phó đoàn về nhà Long Nhật đặt vấn đề muốn mời Long Nhật quay lại vì đang thiếu nam ca sĩ dòng nhạc quê hương, nhưng với điều kiện Long Nhật phải làm bản kiểm điểm. Lúc đầu, nam ca sĩ từ chối vì mắc cỡ. Sau khi được đàn anh đàn chị khuyên nhủ, Long Nhật gạt bỏ tự ái sang một bên và trở lại hoạt động với Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng.
Tại chương trình Kính Đa Chiều, Long Nhật nhắn nhủ: “Nếu Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh, chị Ánh Tuyết có xem chương trình này thì Long Nhật xin nói lời cảm ơn. Nhờ ba người nói là làm bản kiểm điểm chỉ có tụi mình biết với nhau thôi, ra ngoài sân khấu mấy ngàn người kia mới là quan trọng. Hà Nội đẹp lắm, Hồ Gươm đẹp lắm, Hải Phòng, Nam Định đẹp lắm. Chỉ có ban lãnh đạo với Long Nhật biết thôi. Nhờ vậy mà Long Nhật bỏ tự ái sang một bên”.
Trong con đường âm nhạc của Long Nhật, không thể không kể đến ca khúc Tình ca mùa xuân – một sáng tác của nhạc sĩ Trần Hoàng, từng khiến bao người thổn thức ở thập niên 1980. Phiên bản Tình ca mùa xuân đầu tiên mà Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng đưa cho nam ca sĩ được hát theo nhịp 3/4. Tuy nhiên, Long Nhật cho rằng có rất nhiều người hát theo kiểu này nên anh muốn làm khác đi. Vì vậy, nam ca sĩ gọi điện cho các bậc tiền bối trong nghề nhờ “phù phép” thành một bài hát mềm mại. Do đó, bài hát Tình ca mùa xuân được viết lại theo giai điệu bolero như mong muốn của Long Nhật.
Tuy nhiên khi Long Nhật bày tỏ mong muốn thể hiện ca khúc Tình ca mùa xuân phiên bản bolero thì hội đồng nghệ thuật của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng không đồng ý. Long Nhật vẫn kiên nhẫn thuyết phục rằng nếu nam ca sĩ diễn 3 suất tại TP.Nha Trang mà công chúng không ủng hộ thì sẽ chuyển qua hát phiên bản cũ. Không ngờ khi Long Nhật biểu diễn, anh vẫn chưa hát đến điệp khúc thì khán giả nhiệt tình vỗ tay cổ vũ. Và bắt đầu từ đó, trong suốt hành trình lưu diễn năm 1992, khi Đoàn ca múa nhạc bán vé thì khán giả luôn hỏi có Tình ca mùa xuân và Mấy nhịp cầu tre của Long Nhật hay không.
Ngỡ như con đường hoạt động nghệ thuật của Long Nhật vẫn tiếp tục thuận lợi như vậy cho đến khi gia đình của nam ca sĩ làm ăn thất bại. Khi đó, Long Nhật bắt đầu vào TP.HCM, trở thành ca sĩ tự do và bắt đầu biết được cảm giác chạy show kiếm tiền để gánh vác cho gia đình.
Long Nhật cho biết ở nhà anh có khoảng 2 – 3 người giúp việc từ người làm vườn cho đến người lái xe cho ba. “Long Nhật nói với ba rằng tất cả những người làm trong nhà không được cho ai nghỉ hết, con sẽ đi hát thêm”, nam ca sĩ khẳng định.
Long Nhật hồi tưởng: “Khi tới TP.HCM vào năm 1995, thì Long Nhật mới biết như thế nào là chạy show. Long Nhật không thích chạy show từ nhỏ. Long Nhật chỉ thích mỗi đêm hát một chương trình, để tập trung cho chương trình đó. Nhưng khi mình về TP.HCM thì môi trường khác, mình phải theo, không theo thì mình bị tụt hậu”.
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Ca sĩ hiện tượng mạng với sự tham gia của host Minh Đức, MC Minh Ngọc và nhạc sĩ Võ Lê Mi sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 11-12/3/2024 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.