Câu Chuyện Cuộc Sống: Đừng sống theo khuôn mẫu của người khác
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những câu chuyện và những kinh nghiệm trong cuộc sống như: Đừng sống theo khuôn mẫu của người khác, công nghệ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi và cha mẹ dạy trẻ học chữ khi nào là hợp lý.
Đừng sống theo khuôn mẫu của người khác
Chị Mai Thu Uyên hiện đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM kể bản thân rất sợ bị người khác bàn tán sau lưng về mình, phong cách thời trang của chị luôn bị đồng nghiệp chê bai và chỉ trích, dần dần bản thân chị phải thay đổi theo những lời của người khác nhận xét.
Một bạn trẻ ở TP.HCM vì quá mê thần tượng của mình mà cố gắng thay đổi từ ngoại hình, tới tính cách sao cho giống thần tượng của mình nhất có thể. “Dù nhiều lúc được bạn bè, gia đình khuyên nên tiết chế lại, nhưng tôi mặc kệ, vì việc này không ảnh hưởng đến ai”, Thùy Dương chia sẻ.
Nếu như cứ bắt chước những người khác, sẽ khiến chúng ta vô cùng mệt mỏi, lúc nào cũng phải gồng mình lên sao cho thật giống với người khác. Cứ như vậy, bản thân dần mất đi động lực khám phá, sáng tạo ra những điều mới mẻ và ghi lại những dấu ấn trong cuộc đời.
Ths Lê Minh Huân (Chuyên gia tâm lý) phân tích: “Nếu chúng ta có thể học được những hành vi tốt của người khác thì điều này luôn luôn được khuyến khích. Ngược lại, nếu chúng ta không thể thoát mình ra khỏi hình bóng của người khác, có khả năng chúng ta bị hòa lẫn vào trong đám đông. Mỗi người cần có bản sắc và giá trị riêng”.
Chuyên gia cho biết nếu không chấp nhận đối diện với gian khổ, thì chúng ta rất khó để thành công, để không có tính dựa dẫm hay đi theo khuôn mẫu của người khác thì chính bản thân phải trải nghiệm những khó khăn từ nhẹ đến nghiêm trọng. Chỉ có cách đối diện với vấn đề mới khiến bản thân trở nên mạnh mẽ. Hãy nâng cao giá trị của bản thân thông qua phẩm chất, hành vi do chính chúng ta xây dựng.
Công nghệ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi
Ông Hà Văn Thành ngụ quận 6, TP.HCM đôi lần từ chối việc sử dụng điện thoại thông minh vì ái ngại bản thân khó có thể tiếp cận với công nghệ, nhưng rồi khi được các con động viên, hướng dẫn, ông cũng quen dần. Bây giờ ông có thể gọi video call cho con cái mỗi ngày, vừa vơi bớt nỗi nhớ con cháu, vừa để các con yên tâm rằng ông vẫn mạnh khỏe. Chiếc điện thoại thông minh còn giúp ông kết nối với những người bạn ở xa thông qua mạng xã hội. Tiện ích đọc báo, giải trí từ chiếc điện thoại khiến tinh thần ông thoải mái, vui vẻ hơn trước rất nhiều.
Đặng Khánh An (Chuyên gia tâm lý lâm sàng tại BV ĐHYD TP.HCM) cho biết: “Đôi lúc người lớn tuổi không có một mạng lưới hàng xóm gồm những người trong cùng độ tuổi để tham gia sinh hoạt đội nhóm, việc sử dụng công nghệ như một kênh kết nối và giải trí là điều hữu ích để họ giảm bớt căng thẳng và sự cô đơn. Không những thế, việc phát triển công nghệ để cải thiện sức khỏe của người lớn tuổi hiện nay ngày càng được chú trọng và tối ưu”.
Dù vậy, tồn tại song song với những tiện ích là những hạn chế đối với người cao tuổi khi lạm dụng quá nhiều vào các thiết bị công nghệ, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Thêm vào đó, nếu vô tình tiếp cận những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về chính trị, xã hội cũng ảnh hưởng đến cuộc sống tinh thần của người sử dụng. Theo khuyến cáo của Bộ Công An, người cao tuổi là đối tượng tấn công chủ yếu của tội phạm mạng, đã có rất nhiều nạn nhân bị lừa đảo với đa dạng chiêu trò, hình thức tinh vi.
Công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của người cao tuổi, nhưng quan trọng hơn hết, vẫn là sự kết nối trong đời sống thực. Để việc sử dụng công nghệ của người cao tuổi thực sự hiệu quả, đòi hỏi con cháu cần có sự quan tâm, hướng dẫn sử dụng một cách phù hợp, an toàn.
Cha mẹ dạy trẻ học chữ khi nào là hợp lý?
Trong một cuộc khảo sát, phụ huynh Phùng Ân Hưng ngụ TP.HCM ưu tiên cho con bắt đầu học chữ khi lên 5 tuổi, độ tuổi gần vào lớp 1, anh muốn con vui chơi thoải mái trước khi bước vào giai đoạn học tập. Tương tự, chị Ngô Thị Thanh Hậu không muốn con mình phải học quá sớm dù bạn bè đã bắt đầu áp dụng chương trình học cho con từ khi 3 – 4 tuổi. “Tôi tìm hiểu được rằng xương tay của bé sẽ phát triển tốt nhất và thích hợp nhất khi 6 tuổi, nên tôi bắt đầu cho con tập cầm bút và đọc sách cho con nghe từ khi 5 tuổi chứ không muốn áp đặt con phải học quá sớm”, chị nói.
Ths – Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Hoa cho biết. Trẻ từ 3 – 4 tuổi chủ yếu suy nghĩ theo tư duy về hình ảnh, trong khi chữ cái và những con số đòi hỏi về tư duy logic và phải vận động não rất nhiều, điều này không hề dễ dàng đối với trẻ chỉ mới 3 – 4 tuổi. Một khi trẻ đã biết nhiều khi tự học trước đó, đến kh
i vào lớp sẽ không cảm nhận được điều gì mới, điều này vô tình làm mất khả năng sáng tạo của trẻ khi học chữ quá sớm.
Ths Lê Minh Huân (Giám đốc Trung tâm ứng dụng Tâm lý – Giáo dục An Nhiên) khuyên phụ huynh nên sử dụng những học cụ như tranh, ảnh, đồ chơi nhiều màu sắc để trẻ vừa được học tập song song với vui chơi. Cách dạy con và lối dẫn chuyện nên nhẹ nhàng, tinh tế, khi cảm thấy trẻ đã mệt hoặc thay đổi nhu cầu, phụ huynh cũng cần chuyển hướng một cách nhẹ nhàng thay vì ép trẻ tiếp tục. Việc phụ huynh đồng hành và giải thích nhẹ nhàng, đơn giản giúp con cảm thấy thu hút hơn khi học tập.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.