Câu Chuyện Cuộc Sống: Học cách sống chung với AI
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Học cách sống chung với AI, Tôn trọng ý kiến của con trẻ, Khi người trẻ quá chiều thú cưng.
Học cách sống chung với AI
Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã dần trở nên phổ biến. Từ trợ lý ảo trên điện thoại thông minh đến các hệ thống tự động hóa trong công nghiệp, AI đang dần thay đổi cách chúng ta làm việc, học tập và tương tác với thế giới xung quanh. Tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng của AI cũng đặt ra nhiều thách thức như làm thế nào để con người và AI có thể sống chung một cách hài hòa và hiệu quả.
Theo anh Trần Anh Tuấn (TP.HCM) chia sẻ: “Thay vì trước đây bị khách hàng phàn nàn và phải tự tìm cách chỉnh sửa theo ý muốn của khách hàng rất khó khăn. Từ khi áp dụng AI vào công việc thì AI giúp tôi phân tích dữ liệu tốt hơn và hiểu được ý khách hàng, AI giúp tôi đạt hiệu quả tốt hơn trong công việc”.
Thạc sĩ Văn Minh Đại (Trường Cao đẳng An ninh mạng iSPACE, TP.HCM ) cho biết: “Không nên lo lắng quá vì AI sẽ tạo ra một công việc mới và cơ hội việc làm trong các lĩnh vực đang phát triển như là quản lý và bảo trì hệ thống AI. Thứ hai là AI giúp cải thiện hiệu suất và giúp con người làm việc hiệu quả hơn. Thay vì lo lắng thì chúng ta nên chuẩn bị thích ứng, học hỏi và trang bị những kiến thức cần thiết để làm việc hiệu quả cùng AI”.
Với sự phát triển mạnh mẽ của AI như hiện nay, không chỉ mỗi ngành nghề mà mỗi cá nhân cũng phải cố gắng học hỏi, thay đổi từng ngày để từng bước tiếp cận và làm quen với AI và học cách sống chung với nó. Chỉ có vậy con người mới không bị AI bỏ lại phía sau hay bị lệ thuộc quá nhiều vào nó.
Tôn trọng ý kiến của con trẻ
Con cái là tài sản vô giá của cha mẹ, chính vì vậy họ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con mình. Cũng chính vì tâm lý này, cha mẹ thường cố gắng xây dựng kịch bản cho sự trưởng thành của các con mà quên đi việc phải tham khảo ý kiến của con trẻ. Và nếu những đứa trẻ không đạt được những mong muốn đó, nhiều cha mẹ đã tỏ ra không hài lòng thậm chí quát mắng để con nhận ra sai lầm. Cũng từ đây nhiều mặt tổn thương tâm lý đã xuất hiện trong những tâm hồn non nớt của con trẻ.
Em T.H (TP.HCM) chia sẻ: “Mỗi khi mà em định nói gì thì lúc đầu mẹ rất chú ý, lúc sau lại không muốn nghe nữa, không hiểu được hết ý em nói làm cho em không muốn nói tiếp nữa. Em rất muốn có nhiều cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con để có thể nói lên những suy nghĩ, tâm tư của em”.
Thạc sĩ Trần Hải Nguyên (Chuyên gia Kỹ năng sống) cho biết: “Con trẻ đều có sở thích, thế mạnh, không gian riêng cho bản thân. Là phụ huynh, hãy luôn tại điều kiện, sự kết nối với con như ngồi chơi với con, lắng nghe con và tạo điều kiện cho con phát triển về thể chất và tinh thần. Và trong đó, chúng ta nên tập trung vào không gian cho con tự do sáng tạo và phát triển bản thân”.
Một đứa trẻ được tôn trọng là khi những suy nghĩ, cảm xúc của được lắng nghe; khi những sở thích, ước mơ được chắp cánh thì hãy dành thời gian cho con và đừng quên những suy nghĩ, cảm xúc của con để có cách ứng xử và dạy dỗ con phù hợp nhất.
Khi người trẻ quá chiều thú cưng
Ngày càng có nhiều bạn trẻ xem việc nuôi thú cưng như một phong cách sống đầy thú vị. Những chú chó mèo không chỉ đơn thuần là vật nuôi mà còn trở thành người bạn, người thân hay thành viên quan trọng trong gia đình. Đây không chỉ là trào lưu mà còn là cách mà nhiều bạn trẻ lấy lại năng lượng tích cực giữa cuộc sống bộn bề. Tuy nhiên, việc quá chăm lo và gần gũi với thú cưng cũng có những mặt trái của nó.
Chị Nguyễn Trần Kim Kha (TP.HCM) chia sẻ: “Bản thân mình thì cũng phải cắt giảm nhiều chi tiêu cá nhân để lo cho Béo. Từ ngày có Béo thì khi đi làm thì mình sẽ muốn về nhà sớm để chơi với Béo. Vì có nhiều lúc mình không vui, đang tiêu cực thì chơi với Béo thì mình cảm thấy xả stress và vui hơn”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Chuyên gia Tâm lý) cho biết: “Hãy cân bằng một cách phù hợp và kết nối với những người xung quanh bởi thú cưng vẫn là thú cưng, không thể thay thế tất cả những điều xung quanh bạn. Hãy mở rộng lòng mình để kết nối với thế giới bên ngoài, bởi bạn cũng cần được yêu thương, bạn cũng cần được chia sẻ và chăm sóc bởi những người xung quanh mình. Hãy cho mình cơ hội để kết nối với những người xung quanh, bạn sẽ thấy cuộc đời mình đẹp hơn rất nhiều”.
Dù vậy, điều quan trọng ở đây là phải có sự cân bằng trong việc nuôi thú cưng, đặc biệt là hãy dành thời gian để kết nối với gia đình, bạn bè và tham gia các hoạt động cộng đồng. Bởi mỗi mối quan hệ đều có ý nghĩa riêng, chỉ khi duy trì được sự cân bằng này người trẻ mới có được niềm vui và hạnh phúc thật sự cho bản thân.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.