Câu Chuyện Cuộc Sống: Khi đàn ông nội trợ
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những câu chuyện và những kinh nghiệm trong cuộc sống như: Khi đàn ông nội trợ, lợi – hại việc lên mạng học cách chăm con và tinh tế trong giao tiếp hằng ngày.
Khi đàn ông nội trợ
Bà con tiểu thương ở khu chợ Nguyễn Đình Chiểu, quận Phú Nhuận, TP.HCM không còn xa lạ với hình ảnh anh Dương hằng ngày đi chợ, anh khá thuần thục trong việc lựa chọn thực phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của gia đình, đó là một trong những niềm vui, niềm hạnh phúc của anh. Ai nghĩ gì thì nghĩ, miễn điều này mang lại hạnh phúc cho vợ và con, đối với anh, việc người đàn ông đi chợ, rửa chén, nấu cơm là điều hết sức bình thường, không hề thua kém ai.
Trường hợp của anh Mẫn cũng là một câu chuyện chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái tiêu biểu khác. Hai vợ chồng anh sở hữu một quán ăn gia đình gần nhà. Buổi sáng, vợ anh đứng bán ở quán, còn anh có trách nhiệm đưa con đến trường và chuẩn bị bữa trưa cho gia đình, sau bữa cơm trưa, anh đưa con đi học buổi chiều rồi ghé quán trông coi đến tối. Lúc này ở nhà, vợ anh sẽ lo chuyện bếp núc, chăm sóc con cái.
Việc cùng nhau gánh vác, san sẻ công việc buôn bán và công việc nhà giúp vợ chồng anh Mẫn duy trì công việc kinh doanh, mà vẫn có thời gian chăm sóc gia đình, con cái.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Dũng (Giảng viên tâm lý học – Đại học Quốc tế EIU) cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, mưu sinh của gia đình không còn chỉ có người đàn ông nắm giữ, mà đôi lúc cả hai giới đã ngang bằng với nhau, cho nên việc đàn ông nội trợ là một khía cạnh san sẻ vô cùng tích cực. Việc đàn ông nội trợ trong một gia đình còn diễn tả một chiều kích trách nhiệm, đó là cùng sẻ chia, gánh vác tất cả những gì liên quan đến tổ ấm của mình”.
Thực tế, khi người đàn ông ở nhà làm nội trợ, để vợ đảm nhận tài chính, nhiều khả năng sẽ đối mặt với không ít áp lực, đặc biệt là sự đánh giá từ người khác, nhưng mỗi người đều có khả năng của mình, nếu vợ hoặc chồng ai có thể tạo ra thu nhập tốt hơn, thì người đó ra ngoài lo tài chính, người còn lại lui về lo gia đình. Mặt khác, việc người đàn ông lùi lại phía sau người vợ và sẵn sàng làm công việc nội trợ, không có nghĩa là họ thất bại, bởi việc nhà, chăm sóc con cái là rất vất vả.
Dĩ nhiên, người đàn ông nội trợ cũng nên giữ cho mình những mối quan hệ xã hội, tham gia các hoạt động để vừa duy trì, trai dồi khả năng của bản thân, vừa giữ sự tự tin. Ở chiều ngược lại, người vợ cũng đừng quá phụ thuộc vào lời nói của người ngoài mà hãy tự xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình bằng cách trân trọng và ghi nhận sự đóng góp của người đàn ông làm nội trợ, từ đó sẽ giúp gắn kết và nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nền móng vững chắc cho một gia đình hạnh phúc.
Lợi – hại việc lên mạng học cách chăm con
Lần đầu có con, hầu hết các cặp vợ chồng đều có những lo lắng và áp lực riêng, ngoài tìm kiếm kiến thức từ sách báo, bác sĩ, họ còn nhờ đến mạng xã hội, nơi có rất nhiều hội nhóm chia sẻ về vấn đề này.
Chị Trần Thu Hằng, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM kể lại khoảng thời gian đầu chăm con, nhờ những hội nhóm hữu ích trên mạng xã hội mà chị có thể học hỏi từ những mẹ bỉm đã có kinh nghiệm về cách cho con bú, lựa chọn thực phẩm tốt cho con và đặc biệt là dễ dàng nhận biết những bệnh vặt của em bé.
Không chỉ lo lắng về việc ăn uống ngủ nghỉ của con, nhiều ba mẹ còn tìm đến các hội nhóm nuôi dạy con còn để tìm hiểu và cập nhật những xu hướng giáo dục mới, hay xem những cách dạy con của gia đình khác có gì hay để áp dụng cho con cái nhà mình.
Chia sẻ về vấn đề trên, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Chuyên gia tâm lý) cho biết: “Việc cập nhật thông tin trên mạng là một lợi ích rất lớn, trong đó phần lớn ba mẹ lên mạng có thói quen lên mạng để tìm kiếm thông tin trong việc chăm sóc và nuôi dạy con, nhưng bên cạnh đó thì cũng như ‘nấm mọc sau mưa’, rất nhiều người không có nhiều kinh nghiệm, và thậm chí là không có chuyên môn đúng đắn, nhưng lại chia sẻ một cách rất cảm tính về cách dạy con, chưa kể là những nhóm lợi dụng nhu cầu của người dân để trục lợi bất chính”.
Thực tế, khi lựa chọn chia sẻ và tìm hiểu thông tin ở những hội nhóm trên mạng xã hội, thì đây lại là vấn đề mang nhiều yếu tố rủi ro, đầu tiên là nguy cơ tiền mất tật mang, vì tin tưởng và mua hàng theo giới thiệu, nhiều đối tượng là thành viên giả dạng trong đó đã rao bán những sản phẩm khó đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, lựa chọn sai phương pháp giáo dục, hay dạy con theo trào lưu cũng là điều đáng lo ngại khi các bậc ba mẹ lên mạng học cách chăm con. Không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau, giáo dục một cách thiếu chọn lọc, không dựa trên tính cách, năng lực, sở thích của con không những không mang lại kết quả, mà ngược lại còn khiến con áp lực hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền (Hiệu trưởng Trường Song ngữ Quốc tế Canada BCIS) cho biết, Phụ huynh rất dễ rơi vào bẫy, chính là nỗi sợ về sự bỏ lỡ, nếu như con của người khác đều học mà con mình không học, thì sợ con mình sẽ thua thiệt. Việc chạy theo trào lưu mà không dựa theo đặc điểm của con sẽ dẫn đến sự lãng phí về tiền bạc, thời gian. Lời khuyên dành các vị phụ huynh đó là lựa chọn một chương trình giáo dục nào, cần xem xét thật kỹ mục tiêu của chương trình đó và phân tích các đặc điểm của con có phù hợp với chương trình đó hay không.
Tinh tế trong giao tiếp hằng ngày
Chị Nguyễn Thị Hoa, ngụ TP.HCM luôn phiền lòng vì hay mắc lỗi kém tinh tế trong giao tiếp, trong những lần tụ họp, chị thường có những câu nói ‘lệch pha’ so với bạn bè, để từ đó những mâu thuẫn, hiểu lầm từ những câu nói liên tục ập đến. “Đôi khi bạn bè nói được vài câu lại không muốn nói chuyện với mình nữa, mình cũng muốn nói chuyện với mọi người nhiều lắm nhưng không biết cách phải làm sao”, chị Hoa tâm sự.
Giao tiếp giỏi, khéo léo và tinh tế được xem là một trong những kỹ năng mềm quan trọng trong cuộc sống, nó cũng là chiếc chìa khóa quan trọng để chúng ta chạm đến thành công nhanh hơn, giao tiếp không chỉ là nghe và nói mà còn là những kỹ năng bổ trợ khác.
Theo Thạc sĩ Cao Văn Cang (Chuyên gia tâm lý) cho biết, những người thiếu tinh tế trong giao tiếp thường có các biểu hiện như nói không chủ ngữ, với người lớn không có dạ thưa hoặc là thích tranh lời nói với người khác. Ngoài ra, những hành động như nói quá to ở nơi công cộng cùng với những hành động đùa giỡn thái quá cũng khiến những người xung quanh khó chịu.
“Tùy vào văn hóa vùng miền, khi đến nơi nào đó cần tìm hiểu kỹ văn hóa của họ. Để giao tiếp và tạo thiện cảm với người khác bắt buộc chúng ta cần phải có sự học hỏi, thông qua rất nhiều nguồn thông tin từ sách báo hoặc các trang mạng điện tử, chúng ta sẽ cần phải liên tục cải thiện và trao dồi mỗi ngày”, ThS Cao Văn Cang khuyên.
Tinh tế là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong cuộc sống và tồn tại trong mỗi con người, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay bằng cấp, ai cũng có thể trở nên tinh tế nếu chúng ta biết cách lắng nghe và chia sẻ. Vì vậy, mỗi người cần rèn luyện kỹ năng này để có thể đạt được điều bạn mong muốn trong giao tiếp, từ đó giúp cuộc sống của bản thân và những mối quan hệ xung quanh trở nên tốt đẹp hơn.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.