Câu Chuyện Cuộc Sống: Trào lưu “cải biên” ca dao, tục ngữ
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Xu hướng đám cưới tối giản, có nên chấp nhận lương thấp để có việc làm, trào lưu “cải biên” ca dao, tục ngữ.
Xu hướng đám cưới tối giản
Không muốn lễ cưới diễn ra rườm rà hay mang tính hình thức phô trương, nhiều cặp đôi đã lựa chọn phong cách cưới tối giản. Đám cưới tối giản được bỏ đi những quy trình không cần thiết, tinh gọn các nghi lễ và quy mô tổ chức, chú trọng vào yếu tố tình cảm. Điều này giúp cho các cặp đôi giải tỏa những áp lực không đáng có tận hưởng cảm xúc trong ngày trọng đại. Việc tổ chức đám cưới tối giản mang lại nhiều lợi ích tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc trong nhiều khía cạnh như gia đình, con cái và cha mẹ.
TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh – Khoa Xã hội học, Trường Đại Học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM cho biết: “Đám cưới tối giản hay đơn giản thì yếu tố hàng đầu là sự trang trọng, chỉnh chu, thể hiện sự tôn trọng với khách mời, có thể cắt bớt nhưng phải đảm bảo những nghi lễ tốt đẹp, mang lại điều tốt lành, chúc phúc cho tương lai cặp đôi”. Mỗi người sẽ có cách tổ chức đám cưới theo cách riêng, không cần phải chạy theo số đông hay trào lưu xu hướng, trong đó tối giản là một lựa chọn. Điều này sẽ giúp cặp đôi có một ngày trọng đại thật ý nghĩa phù hợp với điều kiện kinh tế và sở thích của bản thân.
Có nên chấp nhận lương thấp để có việc làm?
Trong bối cảnh nhiều công ty giảm việc, giảm lương, hay một số ngành nghề chưa có nhu cầu tuyển dụng thêm, nhiều người băn khoăn có nên bám nghề hay lựa chọn một công việc khác, thậm chí làm trái nghề với mức lương thấp hơn kỳ vọng để duy trì cuộc sống và tìm kiếm cơ hội mới. Chấp nhận lương thấp để có một việc làm là thực tế không dễ dàng, nhất là với lao động lành nghề từng có kinh nghiệm và thu nhập cao. Ở một góc độ nào đó, mức lương cũng được xem là thước đo để đánh giá năng lực, sự thành công với một người. Mức lương giảm kéo theo đó là sự sụt giảm về chất lượng sống. Tuy nhiên nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, người lao động có thể xem đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để tìm hướng phát triển mới cho bản thân.
ThS Đặng Kiên Cường – Trưởng Phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết: “Chúng ta tự chăm sóc và nuôi dưỡng bản thân mình ở hiện tại để tìm cơ hội tốt hơn ở tương lai. Đây không được xem là lương thấp mà là tạm dừng, chấp nhận chậm một bước để nhìn về phía trước rộng mở, một tương lai tốt hơn. Lựa chọn hướng đi nghề nghiệp cũng như mở rộng chặng đường phía trước theo năng lực và sự phát triển của bản thân mình”.
Tạm thời chấp nhận mức lương thấp để ổn định cuộc sống, đồng nghĩa với việc chúng ta cần biết cách quản lý chi tiêu và tiết kiệm. Sống tối giản là một trong những cách nhiều người áp dụng để ổn định cuộc sống khi thu nhập thấp hoặc giảm sút.
Trào lưu “cải biên” ca dao, tục ngữ
Ca dao, tục ngữ là những di sản văn hóa quý báu, sự kết tinh tri thức trí tuệ dân gian được đúc kết từ đời này sang đời khác. Bên cạnh đó ca dao tục ngữ Việt Nam còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc trong nhiều lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên hiện nay nhiều câu ca dao tục ngữ có nội dung tốt đẹp ấy đang bị cải biên thành ngữ câu nói mới lạ, thậm chí có ý nghĩa hoàn toàn khác. Thực tế, những clip cải biên tục ngữ ca dao chỉ mang tính chất giải trí đối với người đã từng hiểu rõ ghi nhớ bản gốc. Trong một số trường hợp, nếu sử dụng không đúng hoàn cảnh tình huống diễn ra, những câu ca dao tục ngữ bị cải biên sẽ trở nên kém duyên và làm mất đi giá trị tốt đẹp vốn có. Đặc biệt để lại hệ lụy khi trẻ em vô tình học theo, có thói quen sử dụng ngay, thậm chí không còn nhớ bản gốc của những câu ca dao tục ngữ trong kho tàng văn học dân gian.
Việc giáo dục cho trẻ cần phối hợp giữa gia đình và trường. Mỗi một lĩnh vực, phạm vi có thể đem đến cho học trò ở các tầng lớp sự nhận thức khác nhau. Nhà trường cần phối hợp giữa việc tuyên truyền giá trị truyền thống, đồng thời giải thích cho người học hiểu giá trị của mỗi câu ca dao nằm ở đâu và vận dụng vào lúc nào. Không nên bỏ qua tính chất giáo dục, khuyên răn con người, phê phán thói hư tật xấu và phổ biến kiến thức của ca dao tục ngữ. Chúng ta cần tránh cải biên thành những câu vô nghĩa hoặc bóp méo vẻ đẹp của chúng. Đối với trẻ em, phụ huynh cần lưu ý nhắc nhở, giúp đỡ giáo dục con, giúp trẻ hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.