Lời cảnh báo: Lừa đảo bán điện thoại giá rẻ

Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được phản ánh trong thời gian gần đây như: Lừa bán điện thoại giá rẻ, Cảnh giác với chiêu trò rải link Phishing.

Lừa bán điện thoại giá rẻ

Chị T.T.T.V (TP.HCM) mua điện thoại di động để làm công việc kinh doanh trực tuyến. Khi xem trên Facebook, một trang fanpage bán điện thoại có thương hiệu trên thị trường với giá “xả kho” đến 60%. Chị điền thông tin mua hàng sau khi đọc những thông tin về sản phẩm và cam kết được kiểm máy khi nhận hàng.

Chị T.T.T.V chia sẻ: “Khi tôi nhận điện thoại, tôi kiểm tra seal và tem rất kỹ, nhìn bên ngoài rất giống điện thoại chính hãng nên tôi rất tin tưởng và tôi trả tiền. Thanh toán xong tôi mở hàng ra thì thấy nó không nặng như điện thoại chính hãng và tôi bắt đầu nghi ngờ. Mở điện thoại lên, tôi thấy điện thoại không đẹp, màn hình bị sọc và tôi lướt bị lag nên tôi gọi điện cho số điện thoại tôi đặt hàng nhưng không ai bắt máy thì tôi biết tôi đã bị lừa”.

T.S Đoàn Văn Báu (Chuyên gia Tội phạm học) chia sẻ: “Đánh vào nhu cầu của khách hàng muốn mua được mặt hàng tốt giá rẻ, các đối tượng sẽ giật tít “sale sập sàn”, “điện thoại giá rẻ”,… khiến chúng ta bị lôi cuốn. Đối với các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hình thức livestream bán hàng có rất nhiều thủ thuật, vì thế khách hàng dễ bị lừa đảo”.

Các đối tượng xây dựng hệ thống bán hàng có quy trình giống như các sàn thương mại điện tử, bán những dòng điện thoại cao cấp với giá 4,5 triệu đồng với lời mời gọi hấp dẫn. Những lời giới thiệu còn đánh trúng tâm lý thích mua hàng xịn giá rẻ. Các đối tượng lập các tài khoản ảo để bình luận đánh giá tích cực khiến người xem thích thú.

Luật sư Trần Minh Cường cho biết, theo Quy định Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017, người có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản người khác với giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo với mức phạt cao nhất là tù chung thân.

T.S Đoàn Văn Báu (Chuyên gia Tội phạm học) cho biết, giá thành mua bán thiết bị điện tử trên thị trường hiện nay cũng dao động tương ứng nhau, nhưng khi người khác cung cấp mặt hàng giá quá rẻ thì chúng ta nên xem xét, đặc biệt là mua hàng online. Cần kiểm tra thông tin xem cửa hàng đó có thật không và tránh trường hợp đặt cọc đầy đủ tiền.

Cảnh giác với chiêu trò rải link Phishing

Người dùng mạng xã hội rơi vào bẫy khi được mời gọi truy cập vào đường dẫn giả mạo. Chị P.T.U (TP.HCM) được bạn gửi đường link lạ qua tin nhắn với nội dung chị bị phốt. Vì tò mò, chị bấm vào và sau đó tài khoản Facebook đã bị hack và các thông tin cá nhân quan trọng bị thay đổi.

Chị P.T.U chia sẻ: “Mình chỉ nghĩ đó là diễn biến của vụ việc, mình bấm vô đường link thì bị chuyển sang trang web lạ và mình bị mất tài khoản Facebook. Tài khoản đó giả mạo mình để mượn tiền bạn bè. Mình nhắn tin với bạn bè để họ cẩn thận nhưng một vài người đã chuyển tiền.

Chị H.T.V cũng gặp một trường hợp tương tự khi nhận được bình luận kèm theo đường link để muốn biết thêm diễn biến của vụ việc. “Mình nhận được link từ bạn mình gửi qua Facebook Messenger thì mình bấm vào xem. Một lúc sau bạn mình gọi và bảo tài khoản đã bị hack thì mình đã biết tài khoản mình cũng vậy, mình kiểm tra tài khoản ngân hàng thì cũng bị xâm chiếm”, chị H.T.V cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Hồng chia sẻ: “Đối với dạng hình vi này, các đối tượng đưa link thu thập chỉ mới là bước đầu tiên. Họ thu thập dữ liệu cá nhân của mình, bước tiếp theo họ sẽ đột nhập vào hệ thống mạng xã hội và họ dùng dữ liệu này để đột nhập vào tài khoản ngân hàng rồi họ thực hiện hành vi phạm tội như chiếm đoạt tiền có trong tài khoản, hoặc chiếm quyền sử dụng trang mạng xã hội để tiếp tục chiếm đoạt tài sản của người thân, bạn bè của mình; hoặc giả mạo giấy tờ để uy hiếp người dùng”.

Chiêu trò rải link phishing thường có dấu hiệu đáng chú ý, kẻ lừa đảo tạo trang web giả mạo có giao diện tương tự trang web tin cậy như ngân hàng, dịch vụ trực tuyến. Chúng tạo một đường link, sử dụng tiêu đề và mô tả mà người dùng quan tâm.

Luật sư Đỗ Văn Luận chia sẻ, đối với những trường hợp bị lừa phải thu thập chứng cứ và tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đối với những trường hợp lừa đảo với mức độ ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, có thể tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra nơi người đó cư trú. Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phức tạp, khi sử dụng mạng xã hội người dùng cần quan tâm bảo vệ thông tin, xác minh kỹ các đường link rõ nguồn gốc để tránh những sự việc đáng tiếc.

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.