Những sự thật thú vị xoay quanh siêu phẩm OPPENHEIMER
Bom tấn OPPENHEIMER của đạo diễn Christopher Nolan đã đưa đến khán giả một câu chuyện ngoạn mục về cuộc đời của nhà khoa học J. Robert Oppenheimer. Tác phẩm ngay lập tức tạo nên cơn sốt IMAX toàn cầu, trong đó thị trường Việt Nam không phải là ngoại lệ. Ba tiếng của bộ phim khép lại, hẳn mỗi khán giả sẽ có cảm xúc khác nhau bên cạnh vô số câu hỏi để ngỏ. Kể từ khi OPPENHEIMER chính thức công chiếu, đã có rất nhiều cuộc thảo luận ý nghĩa xung quanh nhà vật lý và dấu ấn của ông, cũng như cách Nolan tạo nên một bộ phim đáng nhớ đến thế.
Christopher Nolan từng nói Oppenheimer chính là người “đã thay đổi tiến trình của thế giới”, xứng đáng với danh hiệu “cha đẻ của bom nguyên tử”. Với trí tuệ kiệt xuất, ý thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội và sự cống hiến không ngừng nghỉ cho khoa học, Oppenheimer là một biểu tượng của thành tựu khoa học, để lại dấu ấn không phai mờ trên thế giới và định hình sự hiểu biết của con người về vũ trụ.
Không cho nổ bom hạt nhân thật, Christopher Nolan đã tái hiện vụ nổ Trinity như thế nào?
Cảnh thử nghiệm Trinity được thực hiện kết hợp các hiệu ứng thực tế và kỹ thuật số. “Ngay từ đầu tôi đã xác định được rằng thử nghiệm hạt nhân Trinity sẽ là một trong số những phân cảnh quan trọng nhất của bộ phim này.” Nolan cho biết. “Tôi đã từng dàn dựng một vụ nổ hạt nhân với đồ họa máy tính trong “The Dark Knight Rise”, và nó đã khiến người xem cảm thấy ấn tượng. Nhưng đồng thời nó cũng cho tôi thấy rằng với một sự kiện có thật như Trinity, vốn đã được ghi chép lại cẩn thận bởi các loại máy quay hiện đại, đồ họa máy tính sẽ không bao giờ mang lại cho người xem cảm giác kinh hoàng như khi xem những thước phim chân thực từng được ghi lại. Và đó chính là thách thức.”
Ekip đã thực hiện nhiều vụ nổ thực tế, kết hợp của các chất xăng, propan, nhôm và magiê trên mô hình. Các thí nghiệm – đập các quả bóng bàn vào nhau, hất sơn vào tường, pha chế các dung dịch ma-giê phát sáng – được ghi lại bằng loại máy quay kỹ thuật số nhỏ ở chế độ siêu cận cảnh và ở nhiều tỉ lệ khung hình khác nhau. Chúng được quay ở tốc độ cao từ nhiều góc độ, sau đó được xếp lớp bằng các hiệu ứng kỹ thuật số để tạo ra “đám mây hình nấm” đã đi vào lịch sử.
Cuối phim có cảnh nhà vật lý Enrico Fermi đến xem thử nghiệm Trinity. Fermi nổi tiếng với Nghịch lý Fermi, một thí nghiệm tưởng tượng đặt câu hỏi tại sao con người chưa bao giờ quan sát thấy bằng chứng về sự sống thông minh ở những nơi khác trong vũ trụ. Một lý do khả dĩ cho điều này là bất kỳ loài đủ thông minh nào đều có khả năng tự xóa sổ giống loài của mình thông qua những hành vi tự hủy hoại. Việc tạo ra vũ khí hạt nhân, đặc biệt là khi Edward Teller và các nhà vật lý khác lo sợ quả bom phân hạch mà họ đang chế tạo có thể thiêu hủy hành tinh, là một trong những khoảnh khắc “Bộ lọc vĩ đại” như vậy trong lịch sử loài người.
Hố đen vũ trụ cũng có màn “cameo” trong phim
Bên cạnh thành tựu chế tạo bom nguyên tử, Oppenheimer còn được biết tới với những công trình nghiên cứu liên quan đến vũ trụ. Đóng góp của ông cho vật lý thiên văn bao gồm những dự đoán mang tính đột phá về các vật thể vũ trụ. Dự đoán đáng chú ý nhất của ông là vào năm 1939 khi ông đồng viết một bài báo có tựa đề “On Continued Gravitational Contraction” báo trước sự tồn tại của lỗ đen.
Bài báo ban đầu vốn bị bỏ qua. Oppenheimer cho biết các công thức toán học cho lý thuyết lượng tử của ông và mối liên hệ với “các ngôi sao tối” (hố đen) có thể được xác thực bởi một nhà thiên văn học. Người đó sau này chính là Stephen Hawking, nhà vật lý thiên văn và toán học lỗi lạc mà sau này các nghiên cứu và dữ liệu lý thuyết của ông đã trở thành cơ sở cho bộ phim Interstellar (2014) của Christopher Nolan.
Sự tham gia của một diễn viên có lý lịch đặc biệt
Christopher Nolan đã tập hợp một dàn sao gồm toàn các tài năng đã quen mặt với công chúng. Dàn diễn viên của OPPENHEIMER có năm chủ nhân tượng vàng Oscar (Sir Kenneth Branagh, Matt Damon, Rami Malek, Casey Affleck và Gary Oldman) và ba người được đề cử Oscar (Robert Downey Jr., Tom Conti và Florence Pugh). Và ở một bộ phim tràn ngập dàn diễn viên toàn sao, để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khán giả, ngay cả những diễn viên quần chúng cũng được đạo diễn cài cắm cẩn thận.
Một vai khách mời đặc biệt trong phim xuất hiện ở phân cảnh đầy ám ảnh khi Oppenheimer được người dân Los Alamos chào đón dường như “ăn mừng” hai quả bom được ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Trong sự ồn ào huyên náo, nhà khoa học như chết lặng khi hình dung ra những số phận con người gánh chịu hậu quả bởi nghiên cứu của chính ông. Trong đó có cảnh một người phụ nữ trẻ bị lột từng mảng da mặt. Vai diễn này được đóng bởi Flora Nolan – con gái của Christopher Nolan. Trong một cuộc phỏng vấn với The Telegraph, Nolan đã nói về sự lựa chọn diễn viên này, nhận xét rằng “Nếu bạn tạo ra sức mạnh hủy diệt tối thượng, nó cũng sẽ hủy hoại những người thân thiết và gần gũi với bạn. Tôi cho rằng đây là cách mạnh mẽ nhất mình có thể thể hiện điều đó”.
Quay hình ngay tại nơi hai thiên tài từng làm việc cùng nhau
Trong những giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, Albert Einstein công khai coi Oppenheimer là một kẻ ngốc vì sự ủng hộ đối với Ủy ban Năng lượng Nguyên tử. Hai người khổng lồ lịch sử lần đầu gặp nhau trong quá trình nghiên cứu sau đại học của Oppenheimer tại Đại học Göttingen vào những năm 1920. Vào thời điểm đó, Einstein là một nhà vật lý nổi tiếng và là nhân vật hàng đầu trong vật lý lý thuyết. Oppenheimer và Einstein nhận ra sự phức tạp trong luân lý của những tiến bộ khoa học của họ và lo ngại về việc phát triển vũ khí hạt nhân. Họ chia sẻ mối quan tâm chung về các vấn đề chính trị và xã hội, đặc biệt là sự ủng hộ đối với giải trừ hạt nhân và hợp tác quốc tế. Bất chấp những mục tiêu và sự hợp tác chung của họ, Oppenheimer và Einstein có những quan điểm khác nhau về một số vấn đề khoa học và chính trị.
OPPENHEIMER cũng đã được ghi hình tại Viện nghiên cứu cấp cao (IAS) ở Đại học Princeton nơi Oppenheimer và Einstein đã làm việc với nhau sau thời kỳ Thế chiến II, sử dụng tòa nhà IAS nơi trước đây Oppenheimer từng đảm nhận cương vị Giám đốc.
OPPENHEIMER đang chiếu tại rạp.