Câu Chuyện Cuộc Sống: Dạy con tự ra quyết định

Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những câu chuyện và những kinh nghiệm trong cuộc sống như: Vợ chồng quan tâm chứ đừng kiểm soát, dạy con tự ra quyết định và lợi ích khi sinh viên tham gia CLB ở trường đại học.

Vợ chồng quan tâm chứ đừng kiểm soát

Anh N.T.L ngụ TP.HCM cảm thấy ngột ngạt khi phải thay đổi lối sống cá nhân kể từ sau kết hôn, từ việc ăn uống, trang phục và tác phong đều phải tuân theo quy tắc của vợ. “Mọi việc lớn nhỏ tôi đều bị vợ bắt bẻ, dù biết là vợ lo lắng cho tôi nhưng điều này khiến tôi khó chịu”, anh tâm sự.


Thực tế, có không ít rạn vỡ của cuộc hôn nhân, lại được ươm mầm từ chính sự quan tâm quá mức, dẫn đến mất kiểm soát của người trong cuộc.

Theo các chuyên gia tâm lý, những cặp vợ chồng ly hôn phần lớn vì kiểm soát nhau quá chặt, biểu hiện không tin tưởng nhau khiến bạn đời cảm thấy ngột ngạt. Trong một mối quan hệ, nếu chỉ có một người cố gắng giữ thật chặt đối phương, người còn lại có thể cảm thấy những sự quan tâm đó là sự kiểm soát, càng về sau, sự quân tâm đó có thể trở thành sự khó chịu đối với họ.

Thạc sĩ Trần Hải Nguyên (Chuyên gia tâm lý) cho biết: “Không nên cố kiểm soát hay thay đổi người bạn đời của mình, vợ chồng cần đồng thuận với nhau hơn là thỏa hiệp để rồi đuổi theo mong muốn của một ai đó. Đừng chỉ tập trung vào cảm giác của bản thân mình mà hãy đồng cảm và hiểu hơn cảm giác của người đối diện”.

Ai cũng có yêu và nhược điểm, vì thế khi kết hôn nên chấp nhận và bao dung lẫn nhau, nếu như vợ hoặc chồng thật sự quan tâm, họ sẽ làm cho người còn lại tin tưởng, công nhận và tôn trọng. Thay vì quan tâm quá mức đến những điều nhỏ nhặt, hãy quan tâm và chia sẻ với người bạn đời những vấn đề về phương diện tinh thần, chẳng hạn như khó khăn trong công việc, có chuyện không vui với đồng nghiệp, bạn bè. Với tâm lý thoải mái, chúng ta sẽ cảm nhận được sự quan tâm của bạn đời một cách đúng nghĩa.
Link tập 66: Vợ chồng quan tâm chứ đừng kiểm soát

Dạy con tự ra quyết định

Chị Hoàng Kim Dung luôn chủ động cho con tự quyết định từ những việc nhỏ như chọn quần áo khi đi chơi hoặc tự chọn những môn học ngoại khóa mà con yêu thích. Sau mỗi lần như vậy, con tập được tính trách nhiệm với quyết định của mình và vui vẻ với điều đó.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Mai Thu luôn đồng hành và giúp con hiểu về hai mặt từ những quyết định của con, về cả lợi ích lẫn hậu quả. Chẳng hạn như việc tham gia một hoạt động ngoại khóa, chị phân tích cho con hiểu và lợi ích của khóa học, song sẽ mất thời gian ra sao nếu xét độ ảnh hưởng về lịch học hiện tại, từ đó chị hy vọng con sẽ phát triển tư duy và sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn hơn trong những trường hợp khác.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc trao cho con quyền tự quyết định sẽ giúp con phát triển những kỹ năng như quản lý thời gian, quyết định và giải quyết vấn đề từ khi còn nhỏ, trẻ sẽ học cách tự đối diện với hậu quả của mình, từ đó xây dựng khả năng chịu trách nhiệm. Cuối cùng, quyền tự quyết định giúp con xây dựng lòng tự tin, tư duy độc lập và sáng tạo trong suy nghĩ, hành động.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui (Chuyên gia tâm lý) tư vấn các bước để ba mẹ giúp con hoàn thiện kỹ năng tự ra quyết định. Cụ thể, từ ban đầu ba mẹ cần ra quyết định trước và giải thích cho con biết về quyết định đó. Tiếp theo là để con quan sát quá trình đưa ra quyết định và thực thi nó. Sau đó trao lại quyền quyết định cho con nhưng vẫn đồng hành, tư vấn trong quá trình con quyết định. Cuối cùng là thả con ra để con tự phân tích, suy xét và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.

Khi con đưa ra một quyết định đúng đắn, ba mẹ cũng cần thể hiện sự khen ngợi, khuyến khích con, điều này giúp con cảm thấy được tin tưởng và tự tin khi đưa ra các quyết định khác trong tương lai. Ngoài ra, sự cởi mở và tôn trọng các quyết định của con cũng tạo ra sự gắn kết của các thành viên trong gia đình với nhau.

 

Lợi ích khi sinh viên tham gia CLB ở trường đại học

Em Lê Đỗ Bảo Hân đang là sinh viên đại học tại quận 9, TP.HCM. Ngoài giờ học chính, em còn tham gia vào một CLB văn nghệ ở trường. Tại đây, ngoài kết giao được với nhiều bạn mới, em còn được rèn luyện về khả năng thanh nhạc và vũ đạo, giúp ích rất nhiều cho việc phát triển kỹ năng mềm.

Bước vào giảng đường đại học, bên cạnh những kiến thức được tiếp thu từ ngành học mà sinh viên đã chọn, việc phát triển thêm về kỹ năng xã hội là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy, các trường đại học đã và đang xây dựng các CLB với đa dạng lĩnh vực nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của sinh viên.

Tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh (Trưởng khoa Xã hội học, ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) đã tham vấn rất nhiều nhà tuyển dụng, tất cả đều tiết lộ kỹ năng và thái độ là điều vô cùng quan trọng bên cạnh kiến thức khi nhà tuyển dụng xem xét một hồ sơ xin việc. Tại các CLB, sẽ có những sân chơi để các bạn sinh viên trải nghiệm tích lũy kinh nghiệm. Ở đây, các bạn có thể sai và sửa sai để càng ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn.

Như vậy, tham gia các CLB ở trường đại học sẽ giúp cho sinh viên rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm vào hành trang khi ra trường. Đồng thời, gúp các em tự tin hơn để phát huy những thế mạnh của bản thân, từ đó thành công hơn trong cuộc sống.

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.